Mới đây, các nhà kinh tế Nhật Bản đã đề xuất một giải pháp mà thoạt nghe nhiều người cảm thấy khó tin: Tăng thời gian nghỉ cuối tuần lên 3 ngày và thuyết phục người Nhật Bản bỏ thói quen tiết kiệm.
Theo ông Y. Yokoyama, một nhà nghiên cứu cao cấp của Nhật Bản, điểm cốt lõi của giải pháp này là tìm cách để người dân “phải thường xuyên thò tay vào túi rút tiền ra hơn”. Chẳng hạn như khuyến khích họ mua hai nhà, một nhà ở các thành phố lớn như Tokyo hay Osaka, nơi họ làm việc, và một nhà khác ở các khu nghỉ nổi tiếng như Sendai hay Karuizawa. Cùng với đề nghị tăng ngày nghỉ cuối tuần lên 3 ngày, việc có nhà nghỉ sẽ thúc đẩy nhu cầu giải trí của người dân, kích thích họ bỏ tiền ra mua sắm các thiết bị như đồ gỗ, nội thất, thiết bị điện tử, xe ô tô... những thứ mà họ không dám mua do điều kiện chật chội ở các thành phố lớn. Các chi tiêu khác như đi lại, du lịch, ăn hiệu... cũng sẽ tăng lên.
Ðưa ra giải pháp này, các nhà kinh tế dựa trên nghiên cứu cho thấy người Nhật Bản đã tích trữ quá nhiều. Theo con số thống kê, ngay trong thập kỷ trì trệ của nền kinh tế, tổng số tiền tiết kiệm của người Nhật đã lên tới 20.000 tỉ USD, gấp gần 5 lần tổng GDP của nước này. Ðây rõ ràng là điều không bình thường trong tình hình kinh tế không thuận hiện nay.
Trong kinh tế, tăng sức mua của người dân là một việc quan trọng bởi nó thúc đẩy sản xuất. Ðiều đó luôn gặp trở ngại khi tâm lý người tiêu dùng chỉ lo tích lũy. Ðây cũng là thực tế ở Việt Nam, nơi nền kinh tế bao cấp và khó khăn đã tạo thói quen của người dân “ăn hôm nay phải nghĩ đến ngày mai”. Chính vì thế mà mặc dù lượng tiền tiết kiệm trong dân rất lớn nhưng nền kinh tế thì luôn gặp sức ép của thiểu phát. Cùng với việc tìm giải pháp đưa tiền vào quay vòng sinh lãi, rất cần có biện pháp tăng sức mua của người dân. Thúc đẩy tiêu dùng, tạo ra một xã hội tiêu dùng là điều cần thiết cho phát triển.
Phan Ðăng
로그인 후 이용해 주세요